Hồ thủy sinh phong cách Iwagumi và Sanzon Iwagumi (Phần II)
Iwagumi và những bước chuyển mình theo trào lưu mới
>> Hồ Thủy Sinh Phong Cách Iwagumi và Sanzon Iwagumi (Phần I)
>> Hồ Thủy Sinh Phong Cách Iwagumi và Sanzon Iwagumi (Phần III)
>> Hồ Thủy Sinh Phong Cách Iwagumi và Sanzon Iwagumi (Phần III)
Năm 2004
Một bước chuyển mình thật sự của Iwagumi, một vài bể thủy sinh có layout thể hiện những cảnh quan trên cạn rất rõ nét được giới thiệu rộng rãi. Cơn sóng lan truyền nhanh chóng và ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong cách Iwagumi cho đến ngày nay.
Song song đó những bể thủy sinh phong cách Iwagumi truyền thống ít xuất hiện dần và chắc chắn cũng ít tạo ấn tượng với số đông người xem hơn. Vẫn không thể phủ nhận cái đẹp ẩn chứa sâu lắng của Iwagumi mà phải nói rằng: đó là những bài học hết sức căn bản để nâng cao khả năng sáng tạo!
Năm 2005
Luồng sinh khí mới bắt nguồn từ những aquascaper người Hồng Kông và Đài loan, họ bắt đầu thử nghiệm ý tưởng các bể thủy sinh theo hình thức của non bộ với phong cách hết sức táo bạo và tạo nên những trào lưu thực sự.
Cây thân đốt lá nhỏ với nhiều màu sắc được mạnh dạn sử dụng cho hậu cảnh, sự đa dạng cây trồng bắt đầu được thử nghiệm để tạo nên những điều mới mẻ.
Năm 2006
Cây trồng thực sự đã làm mới phong cách Iwagumi, sự hòa quyện màu sắc của cây và đá tạo nên cảm giác khác hẳn những bức tranh Iwagumi thời kỳ đầu
Ngay bản thân người Nhật cũng bắt nhịp và thể hiện ý tưởng phong cảnh trên cạn (landscape) cho dù họ hiểu hơn ai hết: thủy cảnh (aquascape) mới là mục đích cuối cùng !
Những dòng suối uốn lượn, thậm chí những con đường mòn khúc khuỷu được bố trí khéo léo trong rất nhiều layout bất chấp những niêm luật bất thành văn của Sir Amano.
Năm 2007
Một số layout sử dụng đá rất nhiều cho mục đích mô phỏng cảnh quan đồi núi, giờ đây khó mà nhận ra đó là Iwagumi hay là một phong cách gì khác, trí tưởng tượng và sự đột phá đã không còn bị giới hạn bởi những nguyên tắc truyền thống nữa.
Năm 2008
IAPLC 2008 chưa thật sự có chuyển biến hay những đột phá bất ngờ của bố cục sử dụng đá, có lẽ trào lưu những năm trước còn trong giai đoạn khẳng định vị thế của nó với một số lượng đáng kể các layout sử dụng đá làm linh hồn cho bố cục.
Iwagumi năm 2010 – sự đa dạng của chất liệu và bài trí
Có lẽ IAPLC 2010 là năm mà các tay chơi thủy sinh thế giới phô diễn kỹ thuật sắp xếp dựa trên những chất liệu đa dạng của đá ở mỗi địa phương. Việt nam sau những năm học hỏi và thử nghiệm đã có những thành công lớn cho riêng mình .
Năm 2011, Iwagumi và những ứng dụng mới
Trong bố cục này các cụm đá có trọng tâm ở trên cao tạo nên một vẻ bồng bềnh khác thường. Nhìn bố cục có thể liên tưởng tới những rạn san hô trong đại dương, cũng có thể liên tưởng đến tác động của gió trên những vách đất đá vùng Grand Canyon. Tuy những nét ngang của thớ đá không phải lần đầu xuất hiện ở IAPLC nhưng trong trường hợp này thì đường nét đá đã được nhấn mạnh ở mức tối đa giúp bố cục có ấn tượng hoàn toàn rõ nét.
Để có thể kết luận đây có phải là một trào lưu mới hay không chúng ta cần chờ đợi một thời gian để xem những yếu tố “kỹ thuật hỗ trợ” phía sau bố cục này có được giới thủy sinh dễ dàng chấp nhận hay không và có những bất lợi nào đi kèm yếu tố kỹ thuật đó hay không ?
Các khối đá có bề mặt khác nhau, màu sắc khác nhau được kết hợp chung trong một bố cục, thành công ở đây chính là sự kết hợp đa dạng vật liệu đá mà không tạo nên vẻ khó chịu cho người xem. Yếu tố kết hợp nhiều loại đá có thể là một yếu tố đáng khai thác khi chúng ta đang đối phó với hoàn cảnh thiếu thốn chất liệu mới, tuy nhiên kết hợp như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quan sát và học hỏi trong tự nhiên của người tạo tác.
Những khối đá trong bố cục này tạo nên một sự liên hoàn chặc chẽ, dù rằng từng khối đá không thật sự đặc sắc nhưng tác giả đã rất khéo léo kết hợp với mini riccia để che giấu toàn bộ các điểm liên kết chưa đẹp và nhất là các ngọn đá không còn đóng vai trò chính như trong các bố cục Iwagumi cổ điển.
Chắc chắn khi lớp rêu bên trên đỉnh đá không tồn tại thì bố cục này sẽ để lộ rất nhiều điểm yếu. Tác giả đã tạo ra một bố cục lạ mắt và có phần hài hước, dù đánh giá thế nào thì vẫn thừa nhận đây là sự kết hợp cây trồng với vật liệu một cách đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
Nguồn: http://bouaqua.tk/
0 nhận xét :